Đầu năm học 2023-2024,đạihọcđạtdoanhthunghìntỷhutao hầu hết trường đại học đã công khai tài chính năm 2022 thông qua báo cáo ba công khai theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo thường niên hoặc đề án tuyển sinh.
Có 9 đại học có doanh thu nghìn tỷ, tăng 4 so với báo cáo số liệu năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, 5 trường công lập gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân và Cần Thơ. 4 trường tư thục gồm Đại học Văn Lang, FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TP HCM.
Trong 9 cơ sở giáo dục đại học này, trường Đại học Văn Lang có tổng nguồn thu lớn nhất với 1.758 tỷ đồng. Kế đến là Đại học Kinh tế TP HCM với hơn 1.443 tỷ đồng.
Trường Đại học FPT đạt gần 1.300 tỷ đồng vào năm ngoái. Đại học Kinh tế quốc dân chưa công khai con số chính thức nhưng dự tính đạt 1.061 tỷ đồng. Năm ngoái, trường đã đạt hơn 1.087 tỷ đồng.
Nhiều trường có doanh thu tiệm cận nghìn tỷ, có thể kể đến như Đại học Y Dược TP HCM (985 tỷ đồng), Hoa Sen (hơn 918 tỷ), Quốc tế Hồng Bàng (886 tỷ), Sư phạm kỹ thuật TP HCM (785 tỷ), Công nghiệp Hà Nội (hơn 751 tỷ), Ngoại thương (hơn 750 tỷ).
Doanh thu của các trường đại học đến từ bốn nguồn: ngân sách, học phí và lệ phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân...). Điểm chung của các trường là học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất trong tổng thu.
Như tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, học phí chiếm khoảng 90,3% tổng nguồn thu. Con số này ở Đại học Bách khoa Hà Nội là 79,5%; Kinh tế TP HCM là 66,6%.
Với các trường tư thục, tỷ lệ này còn cao hơn do không có đầu tư từ ngân sách. Như tại Đại học Nguyễn Tất Thành, học phí chiếm 98,2%.
Tổng nguồn thu cao giúp các trường phát triển đội ngũ, hạ tầng và cơ sở vật chất, tăng thu nhập giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.
Như với thu nhập của giảng viên, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2018-2021, tỷ lệ giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng một năm tăng từ 19,4% lên 31,34%, thu nhập trên 300 triệu đồng trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.
"Doanh thu của các trường cao là điều rất tốt. Tuy nhiên, nếu doanh thu cao lên do phụ thuộc hầu hết vào học phí và nhờ tăng học phí liên tục lại là dấu hiệu xấu", TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận.
Báo cáo tại một hội nghị về tự chủ đại học hồi tháng 4, nhóm chuyên gia của World Bank đưa ra số liệu về đóng góp của hộ gia đình cho giáo dục đại học sau khi khảo sát một số trường.
Kết quả cho thấy năm 2017, ngân sách nhà nước chiếm 24% tổng nguồn thu các trường công lập được khảo sát; đóng góp của người học (học phí) là 57%. Nhưng đến năm 2021, học phí chiếm tới 77%, nguồn ngân sách chỉ còn 9%.
Nguồn thu của các trường công lập ngày càng lệ thuộc vào học phí trong bối cảnh ngân sách chi cho giáo dục đại học thấp (năm 2020 là khoảng 0,27% GDP). Thực tế này trái ngược với các nước có giáo dục đại học phát triển.
Ngoài ra, ở các quốc gia như Mỹ, New Zealand, nhiều trường có nguồn thu lớn từ các hoạt động xã hội hóa, doanh nghiệp, mạnh thường quân tài trợ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...
"Doanh thu của các trường đại học từ hoạt động này tăng thì mới là điều đáng mừng", ông Khuyến nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng các trường không nên chỉ vì doanh thu để tùy tiện tăng học phí mà cần dựa trên mức thu nhập trung bình của người dân, tránh gây bất bình đẳng về khả năng tiếp cận đại học với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Khuyến nhấn mạnh không phải chỉ nhờ có nhiều tiền mới nâng cao chất lượng được mà cần phát huy được sức mạnh tổng hợp, từ cơ chế quản trị của nhà trường đến phân bổ ngân sách sao cho hiệu quả.
Tính đến tháng 8/2022, cả nước có 141/232 trường đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy mức độ tự chủ, các trường bị cắt một phần hoặc hoàn toàn đầu tư từ ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng nguồn thu.